TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH

    VÀ PHÒNG CHỐNG CHẤN THƯƠNG

Đánh giá dự án Tăng cường dịch vụ sơ cấp cứu trước viện tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2014

Chăm sóc chấn thương trước bệnh viện(CSCTTBV) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu hậu quả do TNTT được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thực hiện tại tất cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy hiệu quả triển khai mô hình CSCTTBV.Tại Việt Nam, các hoạt động sơ cấp cứu (SCC), CSCTTBV đã và đang được nhiều Cơ quan,Chính phủ và các Tổ chức Phi chính phủ triển khai, tuy nhiên hầu hết mới chỉ nằm trong khuôn khổ thử nghiệm hoặc trên quy mô nhỏ.

Dự án về tăng cường các dịch vụ chăm sóc chấn thương trước bệnh viện do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới thực hiện trong giai đoạn 1 (2009-2011) tại 5 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và giai đoạn 2 tại 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của dự án tập trung vào 2 phần: (i) Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các tuyến về CSCTTBV; (ii) Tăng cường xây dựng, thực thi các văn bản về vận chuyển cấp cứu và CSCTTBV.

CIPPR vinh dự là đơn vị thực hiện nghiên cứu “Đánh giá việc thực hiện dự án tăng cường dịch vụ chăm sóc chấn thương trước viện tại Việt nam", từ đó đưa ra các khuyến nghị về các mô hình, hoạt động phù hợp cho hoạt động này trong tương lai. Ngoài ra, nghiên cứu này còn được thiết kế để đo lường các hiệu quả của hoạt động chăm sóc chấn thương (CSCT) trước viện trong việc giảm thương tích và tử vong cho quần thể dân cư tại các địa bàn can thiệp.

Nghiên cứu tiến sử dụng một số phương pháp bao gồm xem xét dữ liệu sẵn có, dữ liệu thứ cấp từ hệ thống giám sát và báo cáo định kỳ, tiến hành phỏng vấn nhân viên dự án, nhân viên chính phủ, cán bộ y tế. Ngoài các địa điểm có can thiệp nghiên cứu cũng thu thập thêm các thông tin từ các địa điểm không can thiệp nhằm có được sự so sánh về hiệu quả của chương trình. 

Địa điểm nghiên cứu được thực hiện trên 3 tỉnh thành: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế. 

Thời gian thực hiện nghiên cứu: 2013 - 2014.

Đơn vị tài trợ: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).