BỎNG - Vấn đề Y tế Toàn cầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bỏng là một vấn đề y tế toàn cầu, là một dạng tổn thương trên da hay các mô dưới da gây ra chủ yếu bởi nhiệt, hoặc bức xạ, điện, ma sát hay sự tiếp xúc với các hóa chất. Bỏng nhiệt xảy ra khi các tế bào da hoặc mô bị phá hủy bởi dung dịch nóng, chất rắn nóng hoặc lửa.
Trên thế giới, ước tính mỗi năm có 265 000 trường hợp tử vong do bỏng. Phần lớn xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, và gần ½ xảy ra ở khu vực Đông Nam Á. Tại các quốc gia có thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do bỏng đã giảm. Tuy nhiên, tại các nước có thu nhập thấp và trung bình tỷ lệ này vẫn còn cao, gấp 7 lần so với các nước thu nhập cao.
Bỏng là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật, bao gồm nằm viện dài ngày, làm biến dạng, tàn phế dẫn đến sự xa lánh, kỳ thị. Vậy XỬ TRÍ KHI BỊ BỎNG như thế nào?
=>>>Những điều NÊN làm:
_ Nhanh chóng loại bỏ nguyên nhân bỏng hoặc tránh xa vùng đang cháy hoặc hóa chất. Trong trường hợp bỏng lửa, cần dập lửa bằng cách cho nạn nhân lăn tròn trên đất, phủ chăn lên, hoặc dùng nước hay các phương tiện chữa cháy để dập lửa.
_ Cởi bỏ bớt quần áo nạn nhân để tránh làm bỏng nặng hơn và rửa vết bỏng.
_ Làm mát vết bỏng bằng cách mở vòi nước chảy nhẹ lên vết bỏng.
_ Trong trường hợp bỏng do hóa chất, cần làm sạch hoặc làm loãng bớt hóa chất bằng cách rửa vết bỏng nhẹ nhàng với nhiều nước sạch.
_ Băng nhẹ vết bỏng bằng băng gạc sạch và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.
<<<=Những điều KHÔNG nên làm:
_ Không tiến hành cấp cứu cho nạn nhân nếu chưa đảm bảo an toàn như: chưa ngắt cầu dao điện, đi găng tay để phòng người cứu hộ bị bỏng hóa chất...
_ Không đắp thuốc mỡ, kem đánh răng, nghệ,... lên vết bỏng.
_ Không chườm đá lên vì có thể làm tổn thương sâu thêm.
_ Tránh làm mát bằng nước quá lâu vì có thể gây hạ thân nhiệt của cơ thể bệnh nhân.
_ Không làm trợt vỡ nốt phỏng rộp cho đến khi đã bôi kháng sinh tại chỗ theo sự chỉ định của bác sĩ.
_ Không tự ý bôi đắp bất kỳ chất gì trực tiếp lên vết bỏng vì có thể gây nhiễm trùng.
_ Tránh bôi thuốc lên vết bỏng nếu không có chỉ định của bác sĩ.
WHO cũng đưa ra một số khuyến cáo khác cho cộng đồng để phòng chống bỏng, cụ thể:
1) Rào chắn bếp lửa và không để lửa cháy bốc cao trong nhà.
2) Khuyến khích dùng bếp lò an toàn và sử dụng nhiên liệu ít gây nguy hiểm, cũng như hướng dẫn người dân ăn mặc gọn gàng khi vào bếp.
3) Áp dụng các biện pháp an toàn trong thiết kế và sử dụng vật liệu gia dụng.
4) Cải tiến bếp lò, xây bếp chắc chắn, tránh không để trẻ em có thể đến gần bếp lửa.
5) Không để vòi nước ở mức quá nóng.
6) Tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp phòng cháy, sử dụng máy phát hiện khói, bình xịt chống cháy, vòi phun nước cũng như hệ thống phát hiện cháy nổ trong gia đình.
7) Tăng cường hướng dẫn và thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất, sử dụng quần áo ngủ chống cháy cho trẻ.
8) Không hút thuốc lá trong phòng ngủ và khuyến khích sử dụng bật lửa an toàn với trẻ em.
9) Cải thiện việc điều trị động kinh, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
10) Khuyến khích phát triển các hệ thống điều trị bỏng, bao gồm cả việc đào tạo nhân viên y tế trong phân loại ưu tiên và quản lý bệnh nhân bỏng.
11) Hỗ trợ xây dựng và phân phát tạp dề chống cháy xung quanh khu vực bếp nấu ăn với bếp lửa hoặc bếp dầu.