TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH

    VÀ PHÒNG CHỐNG CHẤN THƯƠNG

Thực trạng bệnh Tăng huyết áp tại Việt Nam

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính, với tần suất mắc bệnh ngày càng tăng và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nền y học Thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2000, số người mắc bệnh THA là 26,4% và dự tính sẽ tăng lên 29,2% vào năm 2025. Chính vì vậy, THA đang trở thành một vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng. THA là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển. Năm 2008, trên Thế giới có khoảng 16,5 triệu người chết vì THA.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu về tăng huyết áp cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp đang tăng nhanh theo thời gian: 1,9% năm 1982; 11,79% năm 1992; 16,3% năm 2002 và 27,4% năm 2008. Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Ban quản lý dự án phòng chống tăng huyết áp, điều tra gần nhất tại Việt Nam cho thấy có 25,1% người trưởng thành (25-64 tuổi) mắc bệnh tăng huyết áp. Cũng theo GS Việt, những biến chứng nhiều nhất của tăng huyết áp là suy tim, biến chứng mạch máu, tổn thương đáy mắt, có protein trong nước tiểu và suy thận... Tuy nhiên trong giai đoạn 2012-2015, mới chỉ có 50% bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện điều trị đúng theo phác đồ của Bộ Y tế.

Tại Việt Nam, mô hình quản lý tăng huyết áp đầu tiên được thành lập lại Khoa khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2003. Mô hình này được coi là cơ sở của chương trình quản lý tăng huyết áp quốc gia vào năm 2008. Hiện nay chương trình khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân THA đã duy trì mô hình quản lý bệnh nhân THA tại 190 xã/phường điểm được triển khai từ 2009 và 2010. Hiện tại tổng số bệnh nhân THA đang được quản lý là 41.984 đạt 58,3% (chỉ tiêu 50%) trong tổng số 71.972 người được sàng lọc từ 2010. Số bệnh nhân quản lý được điều trị đạt huyết áo mục tiêu 17.613 người/41.984 người được quản lý THA, đạt 41,9%.

Năm 2016, trung tâm CIPPR thuộc trường ĐHYT Công Cộng đã phối hợp với tổ chức NF và Path, Lotus Impact thực hiện chương trình Cộng đồng vì trái tim khoẻ (CH2) tại thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích của dự án nhằm tham gia kiểm soát huyết áp ở đối tượng người lớn thông qua tăng cường khả năng tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ chất lượng cao dành cho bệnh THA một cách bền vững và mở rộng.