Dự án: Hỗ trợ nghiên cứu phòng chống tai nạn thương tích tại Việt Nam giữa trường Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) và Đại học Y tế Công cộng giai đoạn 2017 - 2022 (JHU_Hanoi_TRIP)
Giới thiệu
Tai nạn thương tích là một vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam với tỷ lệ tử vong và thương tích cao so với các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Tai nạn giao thông đường bộ và đuối nước là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho cộng đồng Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có khoảng trên 5 triệu ca tử vong do thương tích, chấn thương và bạo lực; hầu hết những trường hợp này xảy ra ở nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp (LMICs). Những tai nạn thương tích này để lại di chứng là những hậu quả nghiêm trọng – hàng năm ước tính có đến 50 triệu người bị chấn thương nghiêm trọng và hơn 20 triệu người tàn tật do hậu quả của thương tích và chấn thương (WHO 2009). WHO cũng cho biết, hiện nay trên thế giới ước tính có hơn một tỉ người khuyết tật, trong đó 80% sống ở các nước đang phát triển, và một trong những nguyên nhân chính gây tàn tật là do tai nạn thương tích (WHO 2011). Theo nghiên cứu năm 2013, Nam Á là một trong những khu vực chịu gánh nặng do tai nạn thương tích cao nhất.
Các chương trình phòng chống TNTT đã được các bộ ngành triển khai nhưng những con số về thiệt hại về con người vẫn còn rất lớn, nguồn lực triển khai các hoạt động phòng chống TNTT chưa nhiều, sự phối hợp giữa các ban ngành, các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của cộng đồng chưa hấp dẫn được người nghe. Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về TNTT chưa được triển khai nhiều do hạn chế về nhân lực và sự đầu tư.
Dự án là sự hợp tác giữa trường Đại học Johns Hopkins, Hoa Ký với trường Đại học Y tế công cộng nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành phòng chống tai nạn thương tích tại Việt Nam thông qua xây dựng các chương trình đào tạo chuyên ngành phòng chống tai nạn thương tích và hỗ trợ đào tạo thạc sỹ phòng chống tai nạn thương tích. Chương trình nhận được sự tài trợ của Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, thông qua trường Đại học Johns Hopkins.
Các mục tiêu cụ thể:
1. Phát triển chương trình đào tạo Thạc sỹ Y tế công cộng định hướng phòng chống
tai nạn thương tích trong chương trình đào tạo của Đại học Y tế công cộng2. Xây dựng nhóm giảng viên chuyên ngành phòng chống tai nạn thương tích tại
trường Đại học Y tế công cộng3. Tổ chức các hội thảo, tập huấn tăng cường kiến thức và kỹ năng nghiên cứu phòng
chống Tai nạn thương tích tại Việt Nam4. Tổ chức các hội thảo chuyên ngành phòng chống Tai nạn thương tích cấp quốc gia
5. Đào tạo được 9 Thạc sỹ Y tế công cộng định hướng nghiên cứu phòng chống Tai
nạn thương tích theo chương trình đào tạo của Đại học Y tế công cộngDự án này với các tiếp cận khác nhau sẽ đem lại lợi ích cho trường Đại học Y tế công cộng, các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phòng chống Tai nạn thương tích tại Việt Nam, các nhóm đối tượng trực tiếp hưởng lợi từ dự án bao gồm:
1. Các giảng viên tham gia giảng dạy chuyên ngành phòng chống Tai nạn thương tích
2. Các học viên tham gia các môn học chuyên ngành, học viên làm luận văn về đề tài Tai nạn thương tích
3. Các học viên/thành viên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo các chuyên đề liên quan đến Tai nạn thương tích
4. Các học viên tham gia chương trình đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành phòng chống Tai nạn thương tích
5. Các cán bộ dự án được tăng cường năng lực về nghiên cứu và triển khai các hoạt động phòng chống Tai nạn thương tích.
Một số kết quả giai đoạn 2017-2019
Sau 3 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả tốt:
- Trong năm 2018-2019 đã có 04 học viên được tham gia chương trình đào tạo tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách chấn thương, ĐH Johns Hopkins, Hoa Kỳ.
- Năm 2017: 06 học viên được hỗ trợ kinh phí hoàn thành luận văn tốt nghiệp với kết quả tốt. 01 học viên đạt kết quả bảo vệ luận văn xuất sắc (9.5/10 điểm).
- Năm 2018: 06 học viên được hỗ trợ kinh phí học tập và đang trong giai đoạn hoàn thiện luận văn tốt nghiệp.
- Năm 2019: 06 học viên đang trong giai đoạn được hỗ trợ xác định vấn đề nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp.Cảm nhận của học viên tham gia chương trình
“Mình cảm thấy rất may mắn khi được tham gia chương trình và được tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về các phòng chống tai nạn thương tích tại Việt Nam. Nhờ vào hỗ trợ từ phía chương trình mình đã có thể có định hướng rõ ràng hơn cho luận văn tốt nghiệp; cũng như nhận được những góp ý, hỗ trợ về chuyên môn để có thể hoàn thiện báo cáo một cách tốt nhất!”
Học viên Đỗ Tùng Dương, Thạc sĩ Y tế công cộng khóa 20, trường ĐH Y tế công cộng, bảo vệ xuất sắc luận văn tốt nghiệp (9.5/10 điểm)
"Tháng 6 và tháng 7 năm 2018, tôi đã được tham gia 2 khóa học mùa hè: Áp dụng các phương pháp đo lường sức khỏe dân số để cải thiện hệ thống y tế và Giám sát chấn thương dựa vào bệnh viện tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Các khóa học này giúp tôi hiểu hơn về các chỉ số, gánh nặng bệnh tật, tử vong và kiến thức mới trong lĩnh vực y tế công cộng và giúp tôi có cơ hội làm việc với những người bạn đến từ những đất nước khác nhau trên thế giới. Sau khi kết thúc khóa học, tôi được thăm quan, trao đổi và thảo luận về những vấn đề y tế công cộng với đại diện của 2 tổ chức phi chính phủ về y tế: Pan American Health Organization (PAHO) và Association for Safe International Road Travel (ASIRT). Những trải nghiệm học tập và trao đổi với các chuyên gia trong khóa học là kinh nghiệm quý báu, được tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu về Y tế công cộng và giúp tôi thêm đam mê công việc và nghề nghiệp."
Học viên Nguyễn Ngọc Bình, Thạc sĩ Y tế công cộng khóa 21, trường ĐH Y tế công cộng.
"Mùa hè vừa qua tôi may mắn được tham gia khóa học mùa hè về Hệ thống y tế của trường Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác về chấn thương và thương tích giữa trường Đại học Johns Hopkins và Đại học Y tế công cộng. Chuyến đi này đã mở ra cho tôi cơ hội được học tập và làm việc với các chuyên gia y tế cộng cộng hàng đầu thế giới.
Trong hai tuần đầu của khóa học, tôi được tham gia lớp Áp dụng các phương pháp đo lường sức khỏe dân số để cải thiện hệ thống sức khỏe và Giám sát chấn thương dựa vào bệnh viện tại các nước có thu nhập thấp và trung bình . Mặc dù còn hạn chế về ngôn ngữ nhưng cảm nhận chung của chúng tôi là giờ học thực sự thú vị, giảng viên và học viên sôi nổi thảo luận về các vấn đề liên quan, kinh nghiệm thực tế, hữu ích về nghiên cứu và can thiệp. Câu lạc bộ Journal Club khiến mang lại những giờ thảo luận thoải mái nhưng hữu ích, giúp tôi hiểu hơn về các loại nghiên cứu, đọc hiểu cũng như cách viết một bài báo khoa học. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được đến tham quan và thảo luận các vấn đề tai nạn giao thông đường bộ với các chuyên gia và quản lý dự án tại PAHO (Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Mỹ) và ASIRT (Hiệp hội An toàn đường bộ Thế giới). Thời gian còn lại của khóa học là dành cho việc xây dựng ý tưởng nghiên cứu cùng với thầy cố vấn Qingfeng. Những góp ý quý báu của thầy đã giúp tôi rất nhiều trong việc phác thảo nghiên cứu và thực hiện nó về sau.
Gác lại chuyện bài vở ở trường, tôi dành thời gian cuối tuần đề khám phá nước Mỹ - nơi mà tôi chỉ thấy trên phim ảnh và luôn ao ước được một lần đặt chân tới. Tôi ở rất gần với khu vực Cảng Inner - điểm du lịch xinh đẹp thu hút rất nhiều khách du lịch hàng năm đến với Baltimore. Thú vui của tôi là dảo bước khám phá những con phố với kiến trúc cổ kính mang hơi thở châu Âu, cả những lối đi đầy nắng, hoa và gió mát lạnh rất đặc trưng ở nơi đây. Những bảo tàng nghệ thuật, văn hóa và thiên nhiên của Mỹ luôn khiến cho những du khách khó tính nhất cũng phải thích thú hàng giờ để khám phá. Khác với Baltimore, Washington DC và New York nhộn nhịp và đông đúc hơn nhiều. Tại đây, chúng tôi có dịp được tham quan nhiều địa danh nổi tiếng như Tượng Nữ thần Tự do, Capital House, Ellis Island, Quảng trường Thời đại hay World Trade Center…
Khoảng thời gian tại Mỹ không dài nhưng đã mang đến cho tôi rất nhiều trải nghiệm mới mẻ và đầy ý nghĩa. Môi trường học tập tại Đại học Johns Hopkin và cuộc sống tại Mỹ đã dạy cho tôi nhiều điều và giúp tôi có định hướng rõ ràng hơn cho công việc sắp tới của mình. Hy vọng trường Đại học Y tế công cộng sẽ mang đến nhiều cơ hội học hỏi tuyệt vời thế này cho các sinh viên."
Học viên Phạm Quỳnh Nga, Thạc sĩ Y tế công cộng khóa 22, trường ĐH Y tế công cộng.
Training course on injury and violence prevention in Asia Pacific region
Giới thiệu
Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương ước tính có khoảng 1,1 triệu người tử vong do tai nạn giao thông hàng năm hoặc có hơn 3000 trường hợp tử vong mỗi ngày, số trường hợp tử vong này chiếm hơn 20% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Hơn 93% các trường hợp chấn thương xảy ra trong khu vực thuộc những nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong năm 2008 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do chấn thương trong khu vực là tai nạn giao thông đường bộ, tự gây thương tích, ngã, chết đuối và ngộ độc. Trong các chương trình ứng phó với chấn thương và bạo lực, tổ chức Y tế thế giới tại khu vực Tây Thái Bình Dương phối hợp cùng một số nước ưu tiên xây dựng báo cáo quốc gia về phòng chống chấn thương và bạo lực, kế hoạch hành động quốc gia, luật an toàn giao thông và hệ thống giám sát thương tích, tăng cường hệ thống chăm sóc chấn thương trước viện và trong bệnh viện, năng lực của tổ chức và cá nhân trong phòng chống chấn thương và bạo lực, thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ và bạo lực. Chấn thương là một vấn đề y tế công cộng tại nhiều nước, chính phủ của các quốc gia này thể hiện cam kết nhằm giải quyết những chiến lược khác nhau phòng chống thương tích/ hoặc kế hoạch quốc gia. Trong nỗ lực thực hiện kiểm soát chấn thương hiệu quả, LMICs trong khu vực cần phải có đủ năng lực để ứng phó với những vấn đề của nước mình. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương (CIPPR), Trường đại học Y tế công cộng đã được sự chấp nhận của văn phòng Tổ chức Y tế thế giới khu vực tổ chức khóa tập huấn "Phòng chống chấn thương và bạo lực trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương" sử dụng giáo trình TEACH - VIP 2 (Đào tạo, Giáo dục và phát triển hợp tác trong sức khỏe về phòng chống chấn thương và bạo lực).
Mục tiêu
Cung cấp cho các chuyên gia y tế công cộng một cách tổng quan cơ bản về kiến thức và kỹ năng phòng chống chấn thương và bạo lực bao gồm: dịch tễ học chấn thương và thiết kế, thực hiện và đáng giá các chương trình can thiệp dựa trên bằng chứng.
Mục tiêu cụ thể của khóa học:
- Xác định và phân tích các vấn đề chấn thương và bạo lực trong cộng đồng và xác định ưu tiên cho các chương trình can thiệp
- Nâng cao kiến thức và kỹ năng cụ thể liên quan đến dịch tễ học chấn thương và phát triển, thực hiện và đánh giá các chương trình phòng chống chấn thương
- Phát triển năng lực giảng viên tronng tổ chức các khóa đào tạo về chấn thương và bạo lực về các chủ đề liên quan đến chấn thương tại quốc gia và tổ chức.
Công tác đào tạo chấn thương và phát triển mạng lưới
Công tác đào tạo chấn thương và phát triển mạng lưới
Kể từ năm 2002, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Chấn thương Harborview thuộc đại học Washington và Đại học Kỹ thuật Queensland tổ chức các khóa đào tạo như: Dịch tễ học chấn tương và phương pháp nghiên cứu trong chấn thương, phòng ngừa chấn thương, Hệ thống phòng ngừa trong việc kiểm soát chấn thương và phân tích dữ liệu, Thay đổi hành vi - thái độ trong chương trình phòng ngừa chấn thương, Luật và việc thực thi trong chấn thương.
Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương là đối tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng tổ chức các khóa học, chương trình học bổng về chấn thương như: Khóa học Đào tạo, giáo dục và thúc đẩy Hợp tác Y tế trong phòng chống Bạo lực và Chấn thương (TEACH - VIP); Xây dựng các cấu phần giảng dạy về Dịch tễ học chấn thương, Phòng chống Tai nạn thương tích, Nghiên cứu và quản lý chấn thương. Ngoài ra Trung tâm và WHO còn thiết lập và cung cấp các chương trình học bổng về phòng chống chấn thương cho các đồng nghiệp từ các viện nghiên cứu cùng hợp tác khác đến học tập, đào tạo tại trung tâm CIPPR.
CIPPR là thành viên của cộng đồng phòng chống chấn thương của Việt Nam và thế giới. Đồng thời, những thành viên cao cấp của CIPPR đang đảm nhận những nhiệm vụ sau:
- Thư ký mạng lưới nghiên cứu về Tai nạn giao thông đường bộ (RTIRN), đồng thời văn phòng của RTIRN đặt tại trung tâm CIPPR/Hà Nội từ năm 2014.
- Thành viên chủ chốt của Diễn đàn An toàn giao thông Việt Nam
- Thành viên của chương trình Phòng chống chấn thương và bạo lực trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (WHO/TEACH - VIP)
Với nhu cầu và khả năng của chúng tôi, chúng tôi mong muốn đề xuất một kế hoạch tăng cường năng lực về phòng chống thương tích ở nhóm các nước có thu nhập thấp và trung bình trong khu vực Tây Thái Bình Dương.